Giúp bé yêu khơi dậy trí tưởng tượng với Bộ sưu tập Tôn Ngộ Không
Trong kho tàng văn hóa Thần truyền Trung Hoa, Tây Du Ký được mệnh danh là "Thiên cổ đệ nhất kỳ thư". Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này được tác giả Ngô Thừa Ân viết vào thế kỷ 16 thời nhà Minh, kể về cuộc hành trình sang Tây Thiên thỉnh cầu Phật Pháp của bốn thầy trò Đường Tăng. Từ đó đến nay, Tây Du Ký đã làm say mê hàng triệu độc giả trên khắp thế giới không chỉ bởi cốt truyện phiêu lưu cuốn hút, tình tiết ly kỳ hài hước, nhân vật đa dạng độc đáo, mà còn bởi những diệu lý huyền cơ được khéo léo thể hiện xuyên suốt tác phẩm. Có lẽ vì thế mà Tây Du Ký đã trở thành đề tài cho không ít tác phẩm sách báo, truyền hình, và phim ảnh. Đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun cũng chuyển thể những câu chuyện đặc sắc nhất trong Tây Du Ký thành các tiết mục múa cổ điển Trung Hoa, đồng thời sáng tác phần nhạc nền cho dàn nhạc giao hưởng, từ đó mang đến cho khán giả các màn trình diễn đỉnh cao lay động lòng người.
Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại
Tôn Ngộ Không từ lâu đã trở thành một trong những nhân vật được yêu mến nhất trong văn học Trung Hoa. Ngộ Không trong các hồi đầu cuốn tiểu thuyết là một con khỉ kiêu ngạo, được bầy khỉ tôn là Mỹ Hầu Vương, tuy thần thông quảng đại nhưng hành sự lại lỗ mãng. Tuy vậy đến các hồi sau, Ngộ Không đã xuất tâm tu Phật, bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh, vượt qua hết ma nạn này tới ma nạn khác, từ đó tu khứ tâm ích kỷ và ngạo mạn. Dưới đây là một số chi tiết thú vị về Tôn Ngộ Không:
Ngộ Không sở hữu một thứ vũ khí vô cùng lợi hại, đó là cây gậy Như Ý. Gậy Như Ý hai đầu bịt vàng, ở giữa là đoạn ô thiết có khắc hàng chữ “Như Ý Kim Cô Bổng, một vạn ba ngàn năm trăm cân*”; có thẻ tùy tâm dài ngắn, biến hóa vi châm, lại có thẻ đỉnh thiên lập địa, chống trời chống đất.
Sau khi trở thành đệ tử của Tổ sư Bồ Đề, Ngộ Không được truyền thụ 72 phép thần thông: Biến hóa thân thể, đi mây về gió, nhảy vào lửa không cháy, đi xuống nước không ướt, bị sét đánh không chết, hay phân thân chỉ bằng một cái thổi lông, v.v. Với tính cách ngông cuồng, Ngộ Không đã bị Bồ Đề lão tổ trục xuất khỏi sư môn; sau này lại bất chấp lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế mà đại náo thiên cung, ngay cả 10 vạn thiên binh thiên tướng cũng không thể nào hàng phục nổi. Chỉ đến khi được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thu phục và đè dưới chân núi Ngũ Hành 500 năm, Ngộ Không mới nhìn lại chính mình mà hồi tâm chuyển ý. Sau này khi được Đường Tăng cứu thoát khỏi núi Ngũ Hành và nhận làm đệ tử, Ngộ Không đã dốc lòng bảo hộ Sư phụ, trừ yêu diệt quái, sang Tây Thiên thỉnh kinh. Cuối cùng, Ngộ Không cũng bù đắp được tội nghiệp, chứng đắc Phật vị.
Những cuộc phiêu lưu đặc sắc nhất trong Tây Du Ký đã được tái hiện vô cùng sống động trên sân khấu Shen Yun. Những tiết mục ấy không chỉ mang tính giải trí mà còn hàm chứa nhiều bài học đạo đức và giá trị tinh thần tuyệt vời, giúp mở mang tâm hồn của trẻ nhỏ. Một trong những vở diễn được yêu thích nhất của Đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun kể về hành trình thầy trò Đường Tăng đi qua Hỏa Diệm Sơn. Hỏa Diệm Sơn nơi ấy lửa bốc ngùn ngụt 800 dặm, bốn phía xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được, muốn đi qua thì dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra thành nước. Để dập lửa, Tôn Ngộ Không phải ba lần lặn lội đi mượn quạt Ba Tiêu từ Thiết Phiến công chúa, mẹ của Hồng Hài Nhi. Quạt Ba Tiêu quạt một cái tắt lửa, hai cái sinh gió, ba cái thì trời mưa. Tuy nhiên, vì căm hận Ngộ Không chia lìa hai mẹ con nên công chúa Thiết Phiến kiên quyết không cho mượn quạt. Trong lần đầu tiên, Ngộ Không bị quạt một cái văng xa hơn 5 vạn dặm. Hai lần sau, Tôn Ngộ Không hết đấu sức lại đấu trí với công chúa và Ngưu Ma Vương, nhưng đến cuối cùng vẫn phải nhờ chư Phật chư Thiên tương trợ thì mới mượn được quạt về.
Truyền thống 'kể chuyện con nghe' xưa và nay
Thời ấu thơ hẳn ai trong chúng ta cũng được ông bà, cha mẹ kể chuyện cho nghe. Những câu chuyện cứ thế mà ngấm dần vào tâm hồn, nuôi dưỡng trí tưởng tượng, và khả năng sáng tạo của chúng ta. Từ cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, cho đến các cuộc phiêu lưu của Tôn Ngộ Không, chúng ta đã được gặp gỡ các sinh mệnh trên Thiên giới, hay đắm mình vào thế giới diệu kỳ mới mẻ. Những mảnh ghép truyền thống và văn hóa thông qua đó đã được lưu truyền và bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Kể chuyện con nghe đã trở thành một lối sinh hoạt giản đơn mà lại có tác dụng to lớn trong việc kết nối từng thành viên với gia đình và cội nguồn. Các câu chuyện được truyền từ ông cố bà cố đến ông nội bà nội, ông nội bà nội lại kể cho bố mẹ, bố mẹ kể cho chúng ta, và rồi chúng ta lại kể cho các thế hệ con cháu. Cứ như vậy mà các mẩu chuyện ý nghĩa cứ sống mãi, từ đời này đến đời khác. Chúng ta nên trân trọng khoảng thời gian thư giãn sau những lúc bận rộn để kể chuyện cho con nghe mỗi ngày. Các nhân vật anh hùng cùng những cuộc phiêu lưu kỳ thú sẽ làm phong phú tâm hồn con trẻ. Để tôn vinh truyền thống 'kể chuyện con nghe', các nghệ nhân của Shen Yun Collections đã sáng tạo ra nhiều vật phẩm thú vị xung quanh nhân vật Tôn Ngộ Không.
Chú thích: *một vạn ba ngàn năm trăm cân tương đương khoảng 8100kg.
Lin Shao
Nguồn: shenyuncollections.com